Anh Hòa vét những đồng tiền cuối cùng xếp lên mặt bàn, đếm kỹ trước khi đem chuyển về quê nghèo miền trung đang chìm đắm trong dòng nước lũ.
Xả lũ, vỡ đê tại Thanh Hóa khiến hàng trăm hộ ở quê của anh bị ngập trong nước.
Vốn là người lính trong quân đội nhân dân Việt Nam, sau những năm 80 khi xuất ngũ anh chỉ đem về cho vợ con được những tờ giấy khen màu đỏ để treo trên bức tường gỗ mộc.
Điều may mắn, nhưng cũng là bước rẽ của cuộc đời khi anh được đi “ xuất khẩu lao động ´´ ở Đông Đức, bỏ lại phía sau lưng người vợ tần tảo một mình nuôi con nhỏ và chăm mẹ già. Lại một lần nữa người cha phải rời xa gia đình, khoác ba lô đến một miền đất mới, hy vọng bán sức lao động để có tiền gửi về giúp gia đình, trang trải nuôi con ăn học và chăm người mẹ già.
Cuộc sống nơi đất khách đã làm những người xa lạ gần nhau hơn, anh tham gia hội cựu chiến binh ở Berlin để mỗi khi có dịp lại được mặc lại bộ quân phục màu xanh và hát bài “ Giải phóng miền nam ´´ để diệt đế quốc Mỹ, buổi tiệc tàn anh lầm lũi cởi áo trở về với cuộc sống đời thường phục vụ tư bản Đức.
Thời gian thấm thoát trôi nhanh, những đứa con và người vợ ở nơi quê xa chỉ có dịp vài năm sau hội ngộ anh một lần duy nhất, mọi cảm xúc diễn ra vội vã trong ít ngày về phép, để rồi sau đó anh lại đi biền biệt sang sống nơi xứ người.
Nhân duyên và định mệnh như muốn giữ anh mãi ở nơi xứ này, khi trong một đêm đông lạnh giá, anh đã vô tình gặp một cô gái “đồng hương´´ ở thủ đô Berlin, họ đã tâm sự và chia sẻ với nhau khi xa xứ, tình cảm nẩy sinh và cả 2 người đã cùng chọn một chặng đường mới để đồng hành nơi đất khách.
Sau ít năm, trong căn nhà chung cư tại Berlin đã xuất hiện thêm tiếng trẻ thơ, các con càng lớn thì mái tóc anh cũng thêm bạc và sức khỏe đi xuống theo thời gian, anh phải nghỉ việc để về phụ giúp chị trông nom cửa hàng hoa quả nơi góc phố, nền đá lạnh mà lò sưởi không thể bật vì sẽ làm trái cây mau xuống màu. Sự khắc nhiệt của mùa đông giá buốt đã làm anh thêm xuống sức mỗi khi có tuyết rơi.
Cuộc sống cứ trôi cho đến hôm nay, bất chợt anh nhận được tin dữ từ quê nhà khi người con lớn cấp báo sang tình cảnh “ nước lụt, nhà ngập hết rồi bố à “, anh lặng đi và cảm thấy ngẹn đắng khi không thể về giúp vợ con, „nghĩa xưa, tình cũ“ làm anh tê tái lòng.
Quãng đường đến trạm gửi tiền hôm nay thật dài, vì với số tiền trợ cấp thất nghiệp anh cũng phải tằn tiện mới đủ sinh hoạt, mọi chi tiêu đều trông vào gian hàng nhỏ của cô bạn gái. Vét nốt những đồng tiền cuối cùng từ chiếc ví vải sờn, anh gửi về cho vợ con được 200 Euro, nước mắt làm nhòe đi những con số, như trời mưa tầm tã nhạt nhòa nơi quê nhà.
Nhà dân trên địa bàn xã Tân Thành, huyện Thường Xuân, Tỉnh Thanh Hóa quê hương anh bị đổ sập vì sạt lở đất sau mưa hôm 11.10
Thu Phương – Thoibao.de
—-