Cảm nhận từ đêm hội „Nối vòng tay lớn“ của Hội Văn hóa ở vùng Allgäu và Bodensee

” Rừng núi dang tay nối lại biển xa

Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà …”

Ca từ trong bài hát quen thuộc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hòa trên nền nhạc lúc hùng tráng, lúc trầm bổng, rộn ràng vang lên trong khán phòng với sức chứa gần 2000 người tại thành phố Wangen vùng Allgäu và Bodensee, càng làm cho không khí trong đêm kỷ niệm 30 năm gặp mặt người Việt Nam miền tây nam nước Đức thêm đầm ấm và dâng trào cảm xúc

Đó là những cựu lao động Việt Nam từng đến nước Đức và một số nước Đông Âu từ những năm 1987, 1988 của thế kỷ trước theo hiệp định được ký kết giữa hai chính phủ về hợp tác lao động. Có những bạn trẻ chỉ vừa tròn 18 tuổi và mới đây thôi vẫn còn sống trong vòng tay bao bọc của gia đình. Có những anh, chị tạm biệt vợ, chồng và cả những đứa con còn bé bỏng của mình mang theo hành trang là sức trẻ cùng niềm tin về một cơ hội cải thiện cuộc sống cho bản thân và gia đình. Họ được đưa vào làm việc trong những nhà máy xí nghiệp của nước sở tại, cùng nhau sinh sống trong những khu nhà tập thể được xây dựng cho công nhân lao động hợp tác. Đó là một môi trường hoàn toàn mới mẻ, bỡ ngỡ với những khác biệt so với quê nhà. Họ đã từng an ủi nhau trong những đêm đông buốt giá, động viên nhau vượt qua những giây phút chạnh lòng với nỗi nhớ quê hương da diết, thèm khát một cảm giác đầm ấm bên gia đình. Đó đã trở thành một quãng thời gian đặc biệt nhất, đẹp nhất của tuổi trẻ. Đó là những bỡ ngỡ, dại khờ, những buồn vui đan xen và cả những mất mát, bàng hoàng, những câu chuyện ngô nghê cười ra nước mắt nơi xứ người đã trở thành một ký ức không thể quên trong suốt cuộc đời của họ.

” …. Mặt đất bao la anh em ta về gặp nhau mừng như bão cát

Quay cuồng, trời rộng, bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam …”

Và thế là đã 30 năm từ những ngày đầu tiên ấy. Thời gian dù có lướt đi thật nhanh nhưng vẫn kịp để lại những mảng mầu đa sắc về cuộc sống nhọc nhằn, lo toan, bươn chải … Từng bước từng bước họ đổi thay và thích ứng nhằm hội nhập vào được cuộc sống nơi xứ người. Để đến hôm nay họ hội tụ về đây gặp nhau và ôn lại quãng thời gian đặc biệt ấy. Có những người rất thành công, tạo dựng được danh tiếng địa vị và kinh tế đầy đủ, có những người hài lòng với cuộc sống ổn định trong nhà máy, hãng xưởng và cũng còn rất nhiều những mảng đời vẫn còn nhọc nhằn với cơm áo gạo tiền trong những quán ăn nhỏ lẻ, những cửa hàng nails cần mẫn. Những bạn trẻ thuộc thế hệ thứ hai, được sinh ra và lớn lên ở nước Đức nay đã là những kỹ sư bác sĩ sắp ra trường cũng háo hức quây quần thành từng nhóm trò chuyện với nhau rôm rả tuy chỉ bằng vốn liếng tiếng Việt vẫn còn hơi ngọng nghịu. Những em bé mang trong mình hai dòng máu Việt – Đức  trong những chiếc áo dài may cho trẻ con thật đáng yêu chạy lăng xăng đùa giỡn cùng chúng bạn thỉnh thoảng lại lao vào lòng những ông bố tóc vàng rồi lại ôm chặt lấy người mẹ tóc đen của mình. Dẫu rằng thời gian vẫn vô tình điểm tô những mái tóc đã muối tiêu, nhào nặn đôi bàn tay nhăn nheo, khắc họa những bước chân đã nặng nề do tuổi tác chăng nữa thì trên tất cả đều đã vỡ òa trong niềm vui hội ngộ. Thậm chí có những đôi bạn cùng phòng trước đây đã gần 30 năm xa cách giờ mới gặp lại. Họ tíu tít ôn lại những kỷ niệm năm xưa, kể cho nhau nghe những vui buồn trong cuộc sống, nhắc lại những người bạn cùng nhà máy, ai còn, ai mất, ai hồi hương, ai trụ lại nơi xứ người. Những giọt nước mắt, những nụ cười rạng rỡ hân hoan, vòng tay ôm ấm áp cái xiết tay thật chặt. Thật gần thật gần nhau trong cuộc sống xa quê và đó chính là thông điệp mà đêm hội “NỐI VÒNG TAY LỚN” muốn hướng tới.

“… Vượt thác cheo leo tay ta vượt đèo

Từ quê nghèo lên phố lớn, nắm tay nối liền biển xanh …”

Và để có được những giây phút trùng phùng, tay bắt mặt mừng đó, ấm áp tình nghĩa dân tộc trong cuộc sống tha hương đó là những người “vác tù và hàng tổng” đã mất bao nhiêu thời gian và công sức lo toan và chuẩn bị cho buổi lễ hội “NỐI VÒNG TAY LỚN”. Hội trưởng Nghiêm Chung Tâm, anh Nguyễn Bá Lộc, anh Khánh Vinh, chị Lenka Trần … đã mất nhiều tháng nhiều ngày lo công tác dàn xếp và chuẩn bị. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong vấn đề thuê mướn địa điểm, hỗ trợ an ninh cho lễ hội, cùng các hội đoàn người Việt tại các vùng miền tây nam nước Đức tham gia đóng góp các tiết mục văn nghệ mang âm hưởng dân tộc, những màn trình diễn khoe sắc áo dài, những món ăn đặc trưng của quê hương cùng những trò chơi sinh động với sự hào hứng của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.  Tất cả tạo nên một đêm hội thật đa dạng và phong phú về nội dung. Các em nhỏ thế hệ thứ hai được sinh ra và lớn lên ở nước Đức cũng có dịp để hiểu thêm về quá trình lập nghiệp và hội nhập của bố mẹ chúng nơi xứ người và qua đó cũng để bạn bè người Đức thấy được tinh thần đoàn kết và nét đẹp truyền thống đáng tự hào của con người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu.

“…. giòng máu nối con tim đồng loại

dựng tình người trong ngày mới …”

Không chỉ là lễ hội này mà đã từ nhiều năm nay Hội văn hóa người Việt Nam tại vùng Allgäu và Bodensee vẫn duy trì những hoạt động cộng đồng thường xuyên, nhằm kết nối  tinh thần dân tộc, đoàn kết và hỗ trợ. Hội hàng năm đều đặn tổ chức đón tết cổ truyền của dân tộc cũng như duy trì đội bóng đá của con em các gia đình VN sống trong vùng, kết hợp với trường Đại học Konstanz nơi có gần 17.000 sinh viên Đức và các nước đang theo học, tham gia và quyên góp trong các hoạt động từ thiện hướng về quê hương nhằm chung tay khắc phục những khó khăn vì thiên tai với đồng bào trong nước, hòa mình với đời sống chính trị trước những nguy cơ xâm chiếm biển đảo tại quê nhà. Điều đó cho thấy sự cần thiết của các hội đoàn cần được duy trì và phát triển trong cộng đồng người Việt .

 

 

Bích Hường, ghi chép trong đêm hội NỐI VÒNG TAY LỚN

—–

Kasse animation 7.8.2023